Đạt 106/150 điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Ngọc Sơn cảm thấy thoải mái vì "chắc chắn không trượt đại học" ngay từ bây giờ.
Ba tháng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Vũ Ngọc Sơn, lớp 12A1, trường THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình, tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Sơn đạt 106/150 điểm. Trong đó, môn Toán 45 điểm, Văn học - Ngôn ngữ 30, Khoa học 31.
Chu Văn An, lớp 12 Hóa, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, cũng cởi bỏ được một phần áp lực xét tuyển đại học với điểm 120 đánh giá năng lực. Trong đợt thi cuối tháng 3, An là thí sinh cao điểm nhất. Năm ngoái, chỉ khoảng 20 thí sinh đạt điểm số này trở lên.
Khoảng 70 trường đại học phía Bắc công nhận kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó hầu hết lấy điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn mức mà Sơn và An đạt được. Vì thế, nhờ điểm kỳ thi này, hai nam sinh gần như chắc suất vào đại học, sớm khoảng 5 tháng so với các thí sinh chỉ xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điểm chuẩn của phương thức này dự kiến được công bố vào cuối tháng 8.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết sau ba đợt thi, kết quả cho thấy sự ổn định, điểm của thí sinh không biến động nhiều với các năm trước.
Theo phổ điểm đánh giá năng lực 2022, điểm trung bình của hơn 60.550 thí sinh là 79,3, trong đó 8% đạt từ 100 điểm trở lên. Ông Thảo dự đoán kết quả này được duy trì trong năm nay, có thể tăng lên 10%, bởi lượng thí sinh dự thi năm nay cũng tăng khoảng 20.000.
"Trên 100 điểm là khá cao. Các em có thể dùng kết quả này để xét tuyển vào nhiều trường đại học top đầu", ông Thảo nói.
Phổ điểm thi đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022. Ảnh: VNU
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức.
Nguồn VnExpress